Thấy gì khi người Mỹ lại hoãn kiện?

So sánh sản phẩm 0
  • Chưa có sản phẩm
Giỏ hàng 0
  • Chưa có sản phẩm

Thấy gì khi người Mỹ lại hoãn kiện?

 

 

Như chúng ta đã biết, Liên minh tôm miền Nam (SSA) đã từng lấy lý do về khó khăn tài chính để lý giải cho việc tạm lùi thời hạn kiện bán phá giá tôm Việt Nam đến giữa tháng 11, rồi giữa tháng 12 năm 2003. Mới đây lại có tin cho hay, SSA lại hoãn khởi kiện qua lễ Giáng sinh (sau ngày 25/12) vì“không muốn các quan chức và nhân viên của Bộ Thương mại (DOC) và Uỷ ban Thương mại quốc tế (ITC) phải làm việc “vất vả” trong ngày lễ Giáng sinh”. Tuy nhiên, việc SSA có khởi kiện sau lễ Giáng sinh hay không vẫn chưa có gì chắc chắn, bởi dường như họ vẫn còn ý trông chờ cơ quan lập pháp nước này có một động thái ủng hộ mang tính tích cực hơn, và nếu được “như ý”, thì công việc “khởi động” của họ coi như đã thành công.

Đằng sau Dự luật H.R 5578

Còn nhớ, Dự luật H.R 5578 “Shrimp Importation Financing Fairness” (Dự luật về Công bằng tài chính đối với hoạt động nhập khẩu tôm) được Nghị sĩ Ron Paul đệ trình lần đầu tiên vào ngày 10/3/2002 với nội dung tập trung vào việc thống kê số lượng tôm nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, qua đó yêu cầu Chính phủ áp dụng các chính sách hỗ trợ ngành đánh bắt tôm nội địa của Hoa Kỳ. Dự luật cũng đưa ra những dữ liệu về việc chính phủ Hoa Kỳ đã có các động thái hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu của các nước đang phát triển thông qua hệ thống ngân hàng, nếu tinh ý sẽ thấy rằng, đó là một sự so sánh chứa đầy sự “tự ái” của ngành đánh bắt tôm Hoa Kỳ trước chính sách của Chính phủ.

Dự luật H.R 5578 sau đó được đổi tên là H.R 2406 để tiếp tục đệ trình, song vẫn chưa được thông qua. Ngoài ra, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, SSA đã biết khai thác những ảnh hưởng của một vụ kiện chống bán phá giá nhằm đạt được sự chú ý nhiều hơn đối với đề xuất về khoản ngân sách trợ cấp 50 triệu USD phân bổ theo Dự luật Phân bổ ngân sách của Quốc hội nhằm cải thiện tình hình đánh bắt và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm tôm Hoa Kỳ.

Ngành đánh bắt tôm của Hoa Kỳ có đủ sức đáp ứng nhu cầu trong nước?

Bản thân các nhà đánh bắt tôm Hoa Kỳ, hơn ai hết, đều hiểu rằng, ngành đánh bắt tôm trong nước không có đủ khả năng để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, vì chỉ đáp ứng cao nhất là 12% nhu cầu tiêu thụ nội địa. Sức mạnh của SSA không đủ để tạo nên một bảo đảm để các nhà nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng Hoa Kỳ tin vào khả năng cung cấp của họ. Vì vậy, việc hạn chế hoạt động nhập khẩu tôm phải chăng chỉ là cái cớ để họ moi được khoản trợ cấp 50 triệu USD nêu trên nhằm tăng cường năng lực đánh bắt, tăng thị phần trong nước.

Song, khi thực hiện hàng loạt các hoạt động chuẩn bị khởi kiện, SSA đã không thể lường trước được những khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt đó là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ giữa SSA, Hiệp hội tôm bang Louisiana – LSA, các nhà nhập khẩu, các nhà chế biến, các nhà phân phối và lực lượng đông đảo nhà tiêu dùng là những cử tri quan trọng mà Tổng thống Bush cần phải có sự ủng hộ, nếu muốn tiếp tục giữ ghế trong nhiệm kỳ tới. Mặc dù đã được ông Mike Foster, Thống đốc bang Louisiana, đứng ra dàn xếp các mâu thuẫn nội bộ và cam kết sẽ trích từ ngân sách 600.000 USD từ khoản hỗ trợ của Liên bang để ủng hộ cho vụ kiện này, song SSA và LSA vẫn không sao tiến hành được vụ kiện này cho đến thời điểm hiện nay. Tại sao?

Như chúng ta đã thấy, sự đoàn kết của các nhà nhập khẩu, chế biến và phân phối tôm đã bắt đầu phát huy hiệu quả thông qua các hoạt động vận động trực tiếp và gián tiếp. Đồng thời, báo chí đã được họ sử dụng như một công cụ hữu hiệu làm chùn chân SSA trong quá trình khởi động vụ kiện này. Bằng hàng loạt bài viết phân tích đánh giá và đưa ra luận điểm quan trọng rằng “ngành tôm của Hoa Kỳ không chỉ bao gồm những người đánh bắt, mà còn bao gồm cả những nhà nhập khẩu, những nhà chế biến, những nhà phân phối, bán lẻ, thậm chí cả những người tiêu dùng” đang làm người ta nghi ngờ về tính khả thi của vụ kiện. Theo phân tích của các bài viết này, các nhà nhập khẩu các nhà chế biến tôm Hoa Kỳ đang thu lợi từ việc nhập khẩu tôm từ nước ngoài. Đặc biệt là đối với một số vùng, trong đó có Mississipi, thì doanh số thu được từ chế biến, phân phối tôm nhập khẩu từ các nước Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc… đạt tới hơn 80% tổng doanh số của ngành tôm các vùng này. Bên cạnh đó, việc tăng sản lượng tôm nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc…đã tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho người lao động tại các xí nghiệp chế biên, đồng thời tạo lợi nhuận đối với ngành công nghiệp cảng biển của Hoa Kỳ. Các bài viết này cũng đưa ra kết luận rằng“ngành tôm của Hoa Kỳ không bị thiệt hại, chỉ có một số ít những người đánh bắt mới bị ảnh hưởng bởi việc tăng sản lượng tôm nhập khẩu”. Với tiêu đề Bảo vệ người tiêu dùng, các bài báo này cũng đưa ra những lập luận đanh thép để bảo vệ người tiêu dùng trong nước khi cho rằng “quyền lợi của hàng trăm triệu người tiêu dùng Hoa Kỳ đang bị đe dọa nếu vụ kiện xảy ra và một mức thuế cao được áp đặt với tôm nhập khẩu đồng thời sẽ dẫn đến các hoạt động chế biến và phân phối tôm của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm cho hàng loạt người mất công ăn việc làm”. Một số quan chức DOC cũng đang bị ngả nghiêng trước các lập luận nêu trên. Một số khác thì lo ngại rằng, việc tiến hành một vụ kiện phá giá đối với Việt và một số nước khác không những không mang lại lợi ích gì, mà thậm chí có thể dẫn đến kết quả theo hướng tiêu cực với ngành tôm trong nước.

SSA và LSA ngập ngừng trong quyết định khởi kiện

Có thể nói rằng, SSA và LSA đã có đủ điều kiện về tài chính và một số điều kiện khác để tiến hành việc khởi kiện vào những ngày cuối tháng 11 năm 2003. Song, một trong những lý do mà cho đến tận ngày nay họ vẫn không thể tiến hành được là vì họ buộc phải kéo dài thêm thời gian chuẩn bị để tiến hành các hoạt động cần thiết nhằm tạo thêm sự ủng hộ và tránh bị chia rẽ đối đầu trong nội bộ của SSA và LSA, các nhà nhập khẩu, chế biến và phân phối, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ tích cực hơn từ các cơ quan hữu quan.

Đứng trước hàng loạt các bất lợi nêu trên, SSA và LSA đã có kế hoạch tạm lùi thời điểm đệ đơn khởi kiện đến cuối tháng 12, tức là sau ngày lễ Giáng sinh vì lý do, theo họ, “là không muốn các quan chức và nhân viên của Bộ Thương mại phải làm việc “vất vả” trong ngày lễ Giáng sinh để tận dụng tối đa “thiện cảm” của các quan chức này trong vụ kiện sắp tới”. Vì nếu họ đệ đơn kiện vào thời điểm này, các quan chức của Bộ Thương mại và Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, thời gian mà DOC và ITC phải ra quyết định sơ bộ là rất ngắn.

Việt Nam là một trong những nước nằm trong danh sách bị kiện bán phá giá, nên một cái nhìn “tỉnh táo” vào bản chất vấn đề luôn là điều cần thiết đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Một cái nhìn như vậy sẽ giúp chúng ta có thể đánh giá được chúng ta phải làm gì để Việt có thể tự tin bước vào vụ kiện, nếu có xảy ra? Trong tình hình này, việc luôn sẵn sàng chuẩn bị cho một vụ kiện là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm. Theo phân tích của các nhà chuyên môn, cơ hội của Việt giành thắng lợi trong vụ kiện này không nhỏ. Vì vậy, ngay từ bây giờ, một chiến lược đúng đắn thuyết phục được DOC và ITC chấp nhận các lý lẽ của Việt Nam trong quá trình điều trần cần phải được chuẩn bị trước một cách đầy đủ và kỹ lưỡng. Chúng ta đã từng bị trả giá vì một cái nhìn không đầy đủ, thiếu thuyết phục khi chứng minh rằng, Việt Nam đang có “một nền kinh tế thị trường” mà không được DOC và ITC chấp thuận. Vậy phải làm gì để họ có được cái nhìn đầy đủ, trung thực và khách quan hơn là một câu hỏi đang làm cho chúng ta phải băn khoăn.

Để tránh được tổn thất không đáng có đồng nghĩa với việc chúng ta phải lựa chọn được những luật sư giàu kinh nghiệm “hiểu Việt Nam”, đã từng bảo vệ thành công cho những nước mà DOC và ITC coi là có nền kinh tế phi thị trường trong các vụ kiện bán phá giá. Thế mới biết, có được một cái nhìn thực tế và tỉnh táo thật không đơn giản.

 

(Báo Đầu tư, số 149, ngày 12/12/2003)

Lê Thanh Sơn

Luật sư điều hành AIC - Lawyers & Consultants

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Bài viết khác