Việt Nam cần chủ động ứng phó với vụ kiện tôm

So sánh sản phẩm 0
  • Chưa có sản phẩm
Giỏ hàng 0
  • Chưa có sản phẩm

Việt Nam cần chủ động ứng phó với vụ kiện tôm

Được biết AIC đã gửi hồ sơ xin tham gia vụ kiện có thể xảy ra này, vậy xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Đúng là chúng tôi vừa gửi hồ sơ lên Bộ Thương mại đề xuất về vấn đề trên. Cũng cần nói thêm rằng, đề xuất của chúng tôi được xây dựng dựa trên cơ sở hợp tác giữa AIC và một công ty luật nổi tiếng của Hoa Kỳ là McKennaLong & Aldridge (MLA). MLA là một trong số ít các công ty luật của Hoa Kỳ có địa bàn hoạt động rộng khắp và chuyên sâu trong rất nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, đặc biệt là trong các vụ kiện bán phá giá /trợ giá. Trước khi nộp đơn, chúng tôi đã nghiên cứu và theo dõi tiến trình vụ việc này từ gần một năm nay. Đồng thời, chúng tôi cũng đã nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và khoa học vụ kiện cá ba sa để rút kinh nghiệm.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam phải đối mặt với các rào cản thương mại thuế quan và phi thuế quan tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Ông có nhận xét thế nào về xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước hiện nay của các nước nhập khẩu và bài học gì từ vụ kiện cá ba sa?

Chúng ta phải luôn nhận thức được rằng các rào cản thuế quan và phi thuế quan là những “công cụ” để các quốc gia nhập khẩu sử dụng nhằm bảo hộ nền kinh tế sản xuất của mình. Vụ kiện cá ba sa là một ví dụ điển hình. Mặc dù trong vụ kiện này còn nhiều vấn đề cần xét tới không chỉ đứng trên góc độ pháp luật, song phải thừa nhận rằng, Việt Nam đã bắt nhịp chậm và hoàn toàn bị động trong vụ kiện đó - điều rất khó có thể đem lại thành công. Rút kinh nghiệm trong vụ kiện này, Việt Nam cần chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể phát sinh, trong đó vai trò của các luật sư là vô cùng quan trọng.

Theo dự đoán của ông, khả năng vụ kiện bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ có xảy ra không, và Việt Nam cần chuẩn bị những gì để đối phó với tình huống này?

Theo phân tích của tôi và các luật sư đồng nghiệp Hoa Kỳ, thì Hiệp hội Tôm miền Nam Hoa Kỳ (SSA) không chỉ có một khả năng khởi kiện Việt Nam mà họ còn có các hình thức lựa chọn khởi kiện khác. Nếu vụ kiện xảy ra, rất có khả năng phía SSA sẽ khởi kiện theo các quy định của Phần VII, Luật Thuế quan Hoa Kỳ 1930. Tuy nhiên trong trường hợp không đủ cơ sở để khởi kiện theo Luật này, thì SSA sẽ khởi kiện theo Dự Luật H.R 2406 (với nội dung là ngăn chặn tình trạng nhập khẩu tôm ồ ạt vào thị trường Hoa Kỳ). Song cho đến thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ Dự Luật H.R 2406 sẽ được thông qua, và tôi tin rằng: Việt Nam hoàn toàn có khả năng giành chiến thắng nếu các luật sư của chúng ta “biết làm việc”.

Nên hiểu như thế nào về điều mà ông vừa nói “Luật sư của chúng ta biết làm việc”?

Thiết nghĩ, chúng ta cần phải hành động ngay từ bây giờ, thay vì chờ đợi hành động từ phía SSA giống như vụ cá ba sa, bởi một vụ kiện chống bán phá giá có thể chấm dứt bất kỳ ở giai đoạn điều tra nào. Chính vì vậy, công tác “vận động hành lang” (lobby) là vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Có lẽ ở ta, khái niệm về các hoạt động vận động “vận động hành lang” còn chưa phổ biến, nhưng ở Mỹ đây là hoạt động rất bình thường và có thể nói là không thể thiếu. Các hoạt động này được các tổ chức vận động hành lang (lobby organization) hoặc các chuyên gia vận động hành lang (lobbyist) thực hiện. Chúng ta đều biết một trong những đặc trưng trong hoạt động của các Nghị sĩ Hoa Kỳ là vận động hành lang và quan hệ trong xã hội Hoa Kỳ là quan hệ giữa các đảng phái chính trị mà tiền thân là các nhóm lợi ích. Vì vậy, điều mà tôi vừa đề cập là chúng ta cần những luật sư nước ngoài không những hiểu biết về chuyên môn, mà còn phải biết tạo ra ảnh hưởng để tạo lợi thế, tận dụng cơ hội và sự ủng hộ cần thiết trong những thời điểm quyết định của vụ kiện.

Hiện có khá nhiều công ty luật gửi đề xuất xin được tham gia vào vụ kiện tiềm tàng này. Ông đánh giá thế nào về khả năng của AIC và MLA?

Tôi biết, hiện tại đã có nhiều công ty luật của Việt Nam và nước ngoài nộp đơn xin làm luật sư tư vấn cho Việt Nam. Đây là một điều kiện thuận lợi để phía Việt Nam có cơ hội lựa chọn nhà tư vấn và đại diện xứng đáng cho mình. Chúng tôi chấp nhận cạnh tranh và tự tin vào khả năng giành chiến thắng, bởi AIC và MLA có những luật sư “biết làm việc” và “làm được việc”.

 

(Báo Đầu tư, số 129, ngày 27/10/2003)

Luật sư Lê Thanh Sơn

Luật sư điều hành AIC - Lawyers & Consultants

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Bài viết khác