Sự “biết người” cần thiết:Nghề Lobby ở Hoa Kỳ đã ra đời và tồn tại như thế nào?

So sánh sản phẩm 0
  • Chưa có sản phẩm
Giỏ hàng 0
  • Chưa có sản phẩm

Sự “biết người” cần thiết:Nghề Lobby ở Hoa Kỳ đã ra đời và tồn tại như thế nào?

 

Có không ít câu hỏi được đặt ra xung quanh sự tồn tại và phát triển của nghề Lobby ở Hoa Kỳ, về sự thừa nhận và đặc biệt coi trọng của xã hội Hoa Kỳ đối với hoạt động này. Đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên, bài viết này tập trung giới thiệu sự xuất hiện và tồn tại của nghề Lobby cũng như những cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của nó trong xã hội Hoa Kỳ, qua đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể hiểu rõ hơn những bước nên làm trong việc đối phó với những vụ kiện, như vụ kiện tôm.

Lịch sử của hoạt động Lobby ở Hoa Kỳ gắn chặt với những bước thăng trầm của Quốc hội nước này. Lobby đã từng được coi là một trong những hoạt động làm “lũng đoạn” Quốc hội Hoa Kỳ, được các chuyên gia miêu tả như “Con quái vật” bò sát, tìm mọi cách luồn lách đến các phòng ban, qua các hành lang của Quốc hội. Và cơ sở cho sự xuất hiện của hoạt động Lobby ở Hoa Kỳ được lý giải là dựa trên các quy định của Hiến pháp nước này, cụ thể là quy định “Quốc hội sẽ không xây dựng một đạo luật nào để hạn chế quyền của dân chúng được hội họp ôn hoà và đưa lên chính phủ các điều thỉnh cầu bày tỏ nỗi bất bình của họ”.

Sau khi Quốc hội Hoa Kỳ ban hành Nghị quyết cấm các cá nhân, tổ chức tiến hành việc đệ trình các kiến nghị lên Quốc hội, các nhóm lợi ích trong xã hội Hoa Kỳ nhận ra rằng cần có một phương thức nào đó  để các kiến nghị của họ được các nghị sỹ chú ý. Và nghề Lobby ở nước này đã ra đời để đáp ứng nhu cầu đó.

Cùng với thời gian, nghề Lobby ở Hoa Kỳ ngày càng phát triển và nhanh chóng trở thành công cụ để các nhóm lợi ích sử dụng nhằm đạt được lợi ích cho riêng mình. Các chuyên gia Lobby cũng bằng nhiều cách khác nhau tự tìm những con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Sam Ward, một trong những người được mệnh danh là “ông vua Lobby” của Hoa Kỳ, đã triệt để áp dụng nguyên tắc “con đường ngắn nhất để đạt được sự ủng hộ của một nghị sỹ đối với một dự luật chưa được thông qua là thông qua dạ dày của ông ta”. Hoạt động Lobby cũng đã từng được xem như một nhân tố đóng vai trò sống còn đối với Chính phủ Hoa Kỳ vào những năm 70 của thế kỷ XIX, khi mà các đảng phái chưa giám sát được các lĩnh vực của thượng viện.

Ngày nay, Lobby được xem như một nghề (professional lobbying) ở Hoa Kỳ. Hoạt động Lobby được hiểu là các hoạt động tiếp xúc nhằm tác động ảnh hưởng tới các quan chức có thẩm quyền, các hoạt động chuẩn bị và lên kế hoạch, nghiên cứu và hỗ trợ để thực hiện một mục đích nhất định. Các chuyên gia Lobby và các Công ty Lobby hoạt động khá sôi nổi trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Hoa Kỳ. Kèm theo đó là một hành lang pháp lý được xây dựng nhằm điều chỉnh hoạt động Lobby, gồm Đạo luật về công khai vận động hành lang 1995, Bộ luật về ngân sách Liên bang, Đạo luật về đại diện cho nước thiết chế của Quốc hội Hoa Kỳ đã xây dựng các quy tắc đạo đức đối với các nghị sỹ, các quan chức và các nhân viên của mình nhằm đảm bảo tính hợp pháp trong các quan hệ của họ đối với các chuyên gia Lobby, như những quy định liên quan đến việc nhận quà biếu phát biểu trước dám đông về các vấn đề có liên quan đến lợi ích của một tổ chức nhất định… Thêm vào đó, pháp luật hình sự Hoa Kỳ cũng đưa ra các quy định về các tội danh nhận hối lộ và các khoản thu nhập bất hợp pháp của các quan chức liên bang nhằm ngăn chặn các hoạt động Lobby trái pháp luật, các hành vi đưa hối lộ dưới hình thức đóng góp cho các cuộc bầu cử… Bản thân Liên đoàn các chuyên gia Lobby của Hoa Kỳ (American League of lobbyist) cũng xây dựng một bộ quy tắc cho đạo đức (Code of Ethics), trong đó có quy định những việc không nên làm đối với các chuyên gia Lobby.

Nói tóm lại, sở dĩ nghề Lobby có thể tồn tại và phát triển được ở Hoa Kỳ đã có những cơ sở và cơ chế cho hoạt động này. Xã hội Hoa Kỳ chấp nhận Lobby bởi nó là tất yếu và cũng cần phải ghi nhận rằng, pháp luật Hoa Kỳ đã đạt được những bước tiến nhất định trong việc xây dựng một hành lang pháp lý cho hoạt động Lobby.

Ra đời và tồn tại trong hơn 200 năm qua, dù còn nhiều ý kiến khác nhau và đôi lúc các chuyên gia Lobby còn phải chịu sự chỉ trích, lên án bởi tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng không ít nghị sỹ Hoa Kỳ đã từng phát biểu rằng, thật khó tưởng tượng được sự vắng mặt của các chuyên gia Lobby đối với hoạt động của Quốc hội Hoa Kỳ. Điều đó nói lên rằng, xã hội Hoa Kỳ đã chấp nhận Lobby để có thể nhận được sự chú ý nhiều hơn đối với các lợi ích và mong muốn của mình từ các cơ quan hành pháp, lập pháp, còn bản thân các nghị sỹ Hoa Kỳ cũng thấy các chuyên gia Lobby thực sự hỗ trợ họ rất nhiều trong việc thông qua các dự luật và các quyết định quan trọng, bởi tình trạng quá tải về công việc của các nghị sỹ Hoa Kỳ trước yêu cầu cần được điều chỉnh của các quan hệ phát sinh trong xã hội hiện nay. Chính các chuyên gia Lobby là người hướng các nghị sỹ Hoa Kỳ đến gần hơn với những bức xúc của xã hội, người dân và những chủ thể có quyền lợi liên quan khác.

Sau vụ kiện basa Việt Nam tại Hoa Kỳ, một số chuyên gia cho rằng, đối với vụ kiện bán phá giá tôm tại Hoa Kỳ mà chúng ta phải đối mặt, nếu biết tận dụng một cách triệt để các lợi thế mà hoạt động Lobby có thể mang lại, Việt Nam có thể giành được nhiều lợi thế dẫn đến thắng lợi mà không cần phải tốn kém. Tuy nhiên, để làm được như vậy, hàng loạt các công việc cần phải được nhanh chóng thực hiện cùng một lúc, như chuẩn bị tài liệu, chứng cứ chống lại cáo buộc bán phá giá, tìm hiểu và lựa chọn đúng đối tác là những luật sư có kinh nghiệm và uy tín trong các vụ kiện bán phá giá, trợ giá, đặc biệt là kinh nghiệm trong Lobby, để vận động hành lang nhằm ngăn chặn và đối phó với vụ kiện, đưa ra một kế hoạch đồng bộ, kịp thời điều chỉnh mọi diễn biến của vụ kiện, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng cá nhân và tổ chức có liên quan, nâng cao vai trò của cơ quan đầu mối duy nhất đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu cao, trao toàn quyền quyết định kể cả về tài chính và phối hợp chặt chẽ với luật sư, các cá nhân và tổ chức có liên quan để thực hiện các hoạt động Lobby lôi kéo sự ủng hộ của các giới chức Hoa Kỳ…

Ngoài ra, cần tiến hành hàng loạt công việc quan trọng khác, như tổ chức các hoạt động Lobby nhằm hợp tác và lôi kéo sự ủng hộ từ các nước cùng bị kiện, các nhà nhập khẩu tôm Hoa Kỳ, các chính sách giữ vai trò then chốt trong việc tạo ảnh hưởng lớn đối với vụ kiện.

 

(Báo Đầu tư, số 137, ngày 14/11/2003)

Lê Thanh Sơn

Luật sư điều hành AIC - Lawyers & Consultans

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Bài viết khác